Bên cạnh sự hậu thuẫn của các yếu tố vĩ mô, thành quả có được là nhờ sự nỗ lực của doanh nghiệp, sự đồng hành, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả từ các cơ quan quản lý.
Giữ đà tăng trưởng trong đại dịch
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Ngô Việt Trung – Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, những tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, trong đó có việc giãn cách, cách ly xã hội đã làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác mới cũng như phục vụ khách hàng của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH).
Mặc dù vậy, theo ông Ngô Việt Trung, với tình hình kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam, Chính phủ đã và đang nỗ lực triển khai hàng loạt các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế, thị trường bảo hiểm năm 2020 vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá.
Hiện nay, thị trường bảo hiểm Việt Nam có 69 doanh nghiệp (trong đó có 31 DNBH phi nhân thọ, 18 DNBH nhân thọ, 18 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm) và 1 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài. So với năm 2019, tổng tài sản của thị trường bảo hiểm ước cả năm 2020 đạt 552.403 tỷ đồng, tăng 20%; đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 460.457 tỷ đồng, tăng 22%; tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 115.945 tỷ đồng, tăng 21,5%; tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 184.662 tỷ đồng, tăng 15%; chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 45.675 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ kịp thời, doanh nghiệp chủ động vượt khó
Lý giải về nguyên nhân góp phần giúp thị trường bảo hiểm duy trì đà tăng trưởng khá, lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho rằng, với việc thực hiện mục tiêu kép vừa kiểm soát dịch bệnh vừa phục hồi, phát triển kinh tế, Chính phủ đã triển khai đồng bộ hàng loạt giải pháp, chính sách nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, qua đó đã góp phần thúc đẩy tiêu dùng, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi tăng trưởng kinh tế, dự kiến có thể đạt mức 2,5% trong năm 2020. “Việc kiểm soát tốt dịch bệnh cũng tạo điều kiện và môi trường ổn định cho các doanh nghiệp nói chung, DNBH nói riêng khôi phục, đẩy mạnh triển khai hoạt động kinh doanh” – ông Ngô Việt Trung nói.
Cùng với đó, năm qua Bộ Tài chính (Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm) đã kịp thời hoàn thiện các chính sách hỗ trợ các DNBH, bám sát thị trường, nắm bắt tình hình thị trường để sửa đổi, bổ sung các chính sách nhằm mục tiêu phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm an toàn, bền vững, hiệu quả. Ngày 11/11/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 89/2020/TT-BTC sửa đổi, bổ sung 4 thông tư trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, trong đó có nội dung sửa đổi về trích lập dự phòng nghiệp vụ giúp các doanh nghiệp giảm sức ép về vốn trong ngắn hạn và có khoảng thời gian phù hợp để thực hiện các phương án tài chính tổng thể, ổn định kinh doanh trong bối cảnh lãi suất đầu tư, lãi suất trái phiếu chính phủ giảm mạnh và dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường. Bộ Tài chính cũng thông tin thường xuyên, kịp thời đến các doanh nghiệp về định hướng nghiên cứu, xây dựng Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi nhằm đảm bảo sự phát triển của thị trường trong dài hạn.
Bên cạnh các chính sách chung về giãn, hoãn, giảm thuế cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ thị trường bảo hiểm như giảm mức trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm trong năm 2020 từ mức 0,15% xuống 0,05% tổng doanh thu phí bảo hiểm; giãn, hoãn kế hoạch kiểm tra các doanh nghiệp sang năm 2021; cho phép các doanh nghiệp tổ chức thi chứng chỉ đại lý bảo hiểm theo hình thức online...
Cũng theo ông Ngô Việt Trung, về phía các DNBH, năm 2020 đứng trước những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, các DNBH đã rất chủ động trong việc thích nghi hoạt động sản xuất kinh doanh trong tình hình mới. Theo đó, DNBH đã chủ động rà soát, cắt giảm chi phí nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, bổ sung vốn điều lệ để tăng cường năng lực tài chính và mở rộng các kênh phân phối, nhất là kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng, đẩy mạnh các hình thức phân phối bảo hiểm trực tuyến, tăng cường giao dịch online với khách hàng, triển khai đa dạng các kênh thu phí trực tuyến và gia hạn thời gian đóng phí bảo hiểm trong giai đoạn khách hàng không thể đóng phí do giãn cách xã hội....
Mặt khác, các doanh nghiệp cũng tăng cường đầu tư cho công nghệ thông tin và chuyển đổi số, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm của khách hàng, như triển khai chương trình giải quyết quyền lợi bảo hiểm trực tuyến (Eclaim), thẻ bảo lãnh viện phí điện tử, tư vấn bảo hiểm trực tuyến thông qua Chatbot, ứng dụng chăm sóc sức khỏe trên nền tảng AI, ứng dụng công nghệ thông tin trong huấn luyện, tư vấn bán hàng từ xa, xây dựng hệ sinh thái số toàn diện cho đội ngũ kinh doanh và khách hàng…
Bên cạnh đó, các DNBH đẩy mạnh triển khai các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe và chăm sóc y tế với đa dạng quyền lợi như bảo hiểm bệnh ung thư, chi trả chi phí nằm viện, phẫu thuật, khám chữa bệnh, phạm vi bảo hiểm tại Việt Nam và trên toàn cầu nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày một cao của người dân. Các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh triển khai các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư gắn với sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2020 trong bối cảnh lãi suất tiền gửi ngân hàng tiếp tục giảm và duy trì ở mức thấp. Vì vậy, các DNBH vẫn đảm bảo năng lực tài chính, hiệu quả hoạt động, khả năng quản trị điều hành và quản trị rủi ro của các DNBH được nâng cao.
Ngoài ra, “về phía người tham gia bảo hiểm, người dân cũng nhận thức tốt hơn về tầm quan trọng và ý nghĩa của bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe đã được nâng lên đáng kể trong những năm qua, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19. Người dân vì thế đã chủ động hơn trong việc tiếp cận và tham gia bảo hiểm” – ông Ngô Việt Trung chia sẻ thêm.
tác giả: Duy Thái - Thời báo Tài chinh Việt Nam