Tại hội thảo khoa học về thị trường bảo hiểm "CVII 2021: Tác động COVID-19, Insurtech, thị trường và chính sách" do Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tổ chức vào hôm nay 13-4, ông Ngô Trung Dũng (phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam) chia sẻ số liệu tổng quan thị trường bảo hiểm năm 2020.
Theo đó, cả năm qua, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 186.221 tỉ đồng (xấp xỉ 8 tỉ USD), tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó mảng phi nhân thọ chiếm 55.664 tỉ đồng (+5,3%), nhân thọ đạt 130.557 tỉ đồng (+22%).
Các doanh nghiệp đã chi trả 47.039 tỉ đồng, tương đương hơn 2 tỉ USD cho quyền lợi bảo hiểm.
Tốc độ tăng trưởng bình quân về tổng tài sản, tổng số tiền đầu tư, tổng dự phòng nghiệp vụ, tổng nguồn vốn chủ sở hữu, tổng doanh thu tăng bình quân 20% đến năm 2020 và 15%/năm từ năm 2021 đến năm 2025.
Đến năm 2020 đã có 11% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ, tới năm 2025 ước tính 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ. Doanh thu phí bảo hiểm bình quân GDP đến năm 2020 tối đa 3%, dự kiến đến năm 2025 đạt 3,5%.
Theo ông Dũng, trong 10 năm tới ngành bảo hiểm sẽ có sự chuyển dịch mạnh. Chẳng hạn hiện nay ở Nhật Bản đã có công ty đầu tư 2 triệu USD để sử dụng trí tuệ nhân tạo thẩm định hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm cả bằng văn bản và phi văn bản.
Ở thị trường Việt Nam, trong thời gian tới thị trường có khả năng phát triển kênh phân phối mới, xuất hiện sản phẩm bảo hiểm hoàn toàn mới, đơn giản, thân thiện, thêm các tiện ích cho khách hàng trong quá trình mua bảo hiểm, quản lý hợp đồng bảo hiểm, khiếu nại quyền lợi bảo hiểm…
Với mức độ cạnh tranh lớn, ông Dũng cho rằng trong tương lai doanh nghiệp bảo hiểm có thể bị "chấm dứt" nếu không chuyển đổi số.
Dẫn theo nghiên cứu từ CB Insights, ThS Hồ Thu Hoài (khoa tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) chia sẻ trong 2 quý đầu năm 2020 khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh, xu hướng ứng dụng công nghệ vào bảo hiểm (Insurtech) có phần đi xuống. Tuy nhiên, 2 quý cuối năm Insurtech tăng đột biến.
Các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam đang tập trung sử dụng Insurtech để gia tăng hiệu quả phân phối sản phẩm sẵn có đến khách hàng. Trong khi nước ngoài thường tập trung ứng dụng phát triển sản phẩm và kết nối khách hàng.
Theo nghiên cứu của Sheehan (2020), trong đại dịch, mức độ tin tưởng của người tiêu dùng vào các công ty công nghệ lớn đã tăng lên. Nếu như năm 2016 chỉ có 17% người được khảo sát chủ hợp đồng sẵn sàng ký hợp đồng bảo hiểm với các công ty công nghệ lớn (BigTechs) thì đến quý 4-2020 con số này đã tăng lên 44%.
Dù xem chuyển đổi số là yếu tố quyết định sống còn của doanh nghiệp bảo hiểm, nhưng ông Vương Việt Linh (CEO Công ty TNHH Bảo hiểm tài chính trực tuyến Việt Nam - VIFO) cũng nhìn nhận: "Bảo hiểm Việt Nam vẫn còn khá lạc hậu, chủ yếu làm trên giấy".
Điển hình như việc nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới do Chính phủ ban hành đã có hiệu lực từ tháng 3-2021, cho phép doanh nghiệp cung cấp giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử cho khách hàng, nhưng khi đi vào thực tế nhiều khách hàng gặp khó vì lực lượng cảnh sát giao thông vẫn còn "bỡ ngỡ". Do đó, muốn chuyển đổi số, trước tiên phải bắt đầu từ yếu tố con người.
Tác giả: Bông Mai - Tuoitre.vn